Tại đây, đoàn có buổi hội đàm với bà Veronika Varga-Bajusz, Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa và Đổi mới Hungary.
Trao đổi tại buổi hội đàm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã thông qua bà Quốc vụ khanh gửi lời cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Hungary trong nhiều năm qua đã cung cấp học bổng cho du học sinh (DHS) Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng cũng bày tỏ vui mừng và cảm ơn Bộ Văn hóa và Đổi mới Hungary đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT Việt Nam để hoàn tất đàm phán và đi đến ký kết Thỏa thuận hợp tác về giáo dục đại học giữa Bộ GDĐT Việt Nam và Bộ Văn hóa và Đổi mới Hungary giai đoạn 2025-2027.
Thỏa thuận này sẽ tạo khung pháp lý để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học của hai nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Cùng với sự tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng tin tưởng trong thời gian tới hai bên sẽ phối hợp, hợp tác hiệu quả hơn nữa.
Phía Việt Nam mong muốn, ngoài tối đa 200 suất học bổng Hiệp định như thỏa thuận trong văn bản ký kết, phía Hungary có thể tiếp nhận nhiều hơn nữa DHS Việt Nam sang học các ngành mà Hungary có thế mạnh và Việt Nam đang cần như ngành Y, Dược, Khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, nông nghiệp và công nghệ thực phẩm,...
Cảm ơn Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và cho biết, hợp tác giáo dục với Việt Nam là lĩnh vực hợp tác rất hiệu quả, bà Quốc vụ khanh hy vọng trong tương lai hai bên tiếp tục tìm ra những hình thức hợp tác mới hiệu quả hơn.
Hungary là một đất nước thanh bình, an toàn và đang là điểm đến lý tưởng cho DHS nước ngoài sang học tập. Do đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và bà Quốc vụ khanh thống nhất sau khi văn bản được ký kết, hai bên cần làm tốt hơn công tác giới thiệu, quảng bá về giáo dục, văn hóa và con người hai nước.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, có 4 yếu tố có thể thu hút nhiều hơn nữa DHS Việt Nam sang Hungary học tập. Đó là hai nước có quan hệ hợp tác lâu đời gần 75 năm và Hungary là đất nước thân thiện, thanh bình; Hungary có thế mạnh về nhiều ngành đào tạo không thua kém gì các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc…; có nhiều cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên; chi phí đào tạo và chi phí sinh hoạt hợp lý.
Hợp tác giáo dục là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hungary
Tại buổi hội đàm hẹp giữa Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng với ông Péter Sztáray, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại, hai bên đã trao đổi những định hướng trong việc triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục và đào tạo.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, quan hệ hợp tác giáo dục là một điểm sáng trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Cho tới nay, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh có trình độ về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, trong đó, nhiều người đã trở thành các nhà lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị của Việt Nam, các nhà khoa học trong các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nhân thành đạt trên các lĩnh vực.
Thứ trưởng khẳng định, việc ký thỏa thuận mới cho chương trình học bổng SH trong dịp này là rất kịp thời để các ứng viên của Việt Nam có thể đăng ký dự tuyển chương trình học bổng sang học tập tại Hungary năm 2025.
Thống nhất với các trao đổi của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Mr. Péter Sztáray khẳng định quan điểm của Hungary trong việc mở rộng hệ thống quan hệ đối ngoại với toàn thế giới là bình đẳng, cùng có lợi và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhau. Trong đó sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam.
“Hợp tác giáo dục là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam đang là nước có số lượng sinh viên nhận học bổng của Chính phủ Hungary đông nhất và cũng là nước có số lượng sinh viên đông đảo nhất tham gia các khóa học bằng tiếng Hungary. Những sinh viên Việt Nam đã, đang và sẽ là những hạt nhân tích cực trong viêc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia”, Quốc vụ khanh Péter Sztáray chia sẻ.
Trong khuôn khổ buổi hội đàm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Quốc vụ khanh Péter Sztáray đã cùng ký Thỏa thuận hợp tác về Chương trình học bổng Stipendium Hungaricum (SH) giai đoạn 2025-2027. Bằng việc ký kết Thỏa thuận hợp tác này, Chương trình học bổng do Chính phủ Hungary cấp cho Việt Nam tiếp tục được thực hiện trong 3 năm tới, tạo thêm cơ hội đi du học cho sinh viên và công dân Việt Nam theo học các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Sau buổi hội đàm giữa Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Quốc vụ khanh Péter Sztáray, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác đã hội đàm với Phó Quốc vụ khanh Miklós Lengyel về học bổng Stipendium Hungaricum.
Tại đây, hai Bên trao đổi và thống nhất những hoạt động hợp tác trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động hợp tác giữa hai nước như thúc đẩy giao lưu, phát triển công tác giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Hungary và tiếng Hungary và văn hóa Hungary tại Việt Nam; khôi phục lại ngành đào tạo tiếng Hungary tại Trường Đại học Hà Nội; xây dựng khoa Việt Nam học tại một số cơ sở giáo dục đại học của Hungary; tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa lãnh đạo các cơ sở đào tạo của hai nước thông qua diễn đàn hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Hungary; đẩy mạnh quảng bá về giáo dục hai nước.
Mong các DHS Việt Nam giữ gìn và phát huy hình ảnh đẹp của đất nước
Trong khuôn khổ chuyến thăm Hungary, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác đã đến thăm và làm viêc tại Trường Đại học ELTE. Đây là một trong những trường đại học hàng đầu của Hungary về công tác đào tạo và cũng là một trong những trường đại học lâu đời của Hungary với gần 400 năm tuổi. Hiện nay, Trường có gần 40.000 sinh viên, trong đó có hơn 4.000 sinh viên nước ngoài, sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại đây có 95 em. Với hơn 100 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, đây là lợi thế rất lớn để trường có thể thu hút được nhiều sinh viên quốc tế.
GS. László Borhy, Hiệu trưởng Trường Đại học ELTE cho biết, trường có Khoa Tiếng Việt và đây là trường đại học duy nhất tại Hungary có khoa dạy tiếng Việt. Trường đang có kế hoạch nâng cấp Khoa Tiếng Việt lên thành Khoa Việt Nam học.
Đánh giá đây là định hướng đúng đắn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, với việc thành lập Khoa Việt Nam học, nhà trường không chỉ đơn thuần dạy tiếng Việt mà còn dạy cả về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Hà Nội phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Trường Đại học ELTE trong việc này.
Tại Trường Đại học ELTE, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác đã gặp gỡ các DHS Việt Nam đang học tập tại đây. Sau khi nghe các em báo cáo tình hình học tập, lắng nghe những chia sẻ về một số vấn đề liên quan đến việc học tập và sinh hoạt, Thứ trưởng đánh giá cao sự “dũng cảm, dám vượt qua vùng an toàn của bản thân, chiến thắng bản thân”, dám chấp nhận thử thách để tạo ra vùng an toàn mới cho bản thân, rộng lớn hơn và nhiều cơ hội hơn.
Thứ trưởng cũng chia sẻ và động viên các em cố gắng vượt qua những khó khăn khi sống xa gia đình, vượt lên nỗi nhớ nhà để phấn đấu học tập tốt, đạt được thành tích cao, tôn trọng luật pháp và quy định của nước bạn để giữ gìn và phát huy hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Tiếp tục phát huy việc gìn giữ văn hóa và tiếng nói của người Việt Nam ở nước ngoài
Thực hiện mục đích tìm hiểu về tình hình việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Hungary, đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm dạy tiếng Việt Budapest. Cùng tiếp và làm việc với đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Budapest.
Trung tâm được thành lập năm 2010 thực hiện 2 chức năng chính là dạy tiếng Việt và kết nối cộng đồng. Hiện nay trung tâm có 9 lớp dạy tiếng Việt với 70 học sinh. Sau 14 năm qua, Trung tâm từ lúc chỉ có 1 lớp với 1 cô giáo đến nay đã có 3 lớp với 8 thầy cô giáo tham gia giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Năm nào Trung tâm cũng tuyển được học sinh mới.
Ngoài hoạt động dạy học tiếng Việt, Trung tâm duy trì tổ chức hằng năm “Ngày hội tiếng Việt”, Trại hè VIETCAMP cho thanh thiếu niên Việt Nam đang sinh sống tại đây. Trung tâm cũng tham gia tích cực vào Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt được tổ chức tại các nước châu Âu. Từ năm 2022, Trung tâm hưởng ứng và tham gia tích cực vào “Ngày tôn vinh tiếng Việt” với đa dạng các hoạt động và cách thức tổ chức và tham gia. Tại thời điểm đoàn đến thăm, Trung tâm đang phát động cuộc thi “Việt Nam trong tôi” dành cho trẻ em người Việt Nam đang sinh sống tại Hungary.
Trao đổi với đoàn công tác Bộ GDĐT, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm từ trong nước để các giáo viên có thể được tham gia các khóa bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tiếng Việt, và mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước làm việc với phía Hungary để có thể đưa tiếng Việt thành một ngoại ngữ được giảng dạy trong trường học cho các học sinh, cả người Việt Nam và người Hungary có cơ hội lựa chọn học.
Chia sẻ với các thầy cô ở Trung tâm và đại diện Cộng đồng, Thứ trưởng Phạm Ngọc đồng thời ghi nhận và cảm ơn sức sáng tạo, tâm huyết và tinh thần vượt khó cũng như tình yêu lớn lao của bà con đối với tổ quốc, với tiếng Việt và văn hóa Việt. Đánh giá cao cách thức tổ chức, hình thức lớp học và phương pháp giảng dạy rất đúng, qua rất nhiều các hoạt động khác nhau của Trung tâm, Thứ trưởng mong muốn bà con tiếp tục vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy và tổ chức tốt hơn nữa việc gìn giữ văn hóa và tiếng nói của người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong thời gian ở thăm và làm việc tại Ba Lan và Hungary, đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại hai nước. Đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và Hungary cũng luôn đồng hành và tham gia tất cả các hoạt động cùng đoàn công tác.